Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Mua bảo hiểm cho cầu thủ: Bóng đá nữ được lo

Do khác nhau về hình thức quản lý giữa nam và nữ cầu thủ ở cấp CLB nên hình thức bảo hiểm của hai bên cũng khác nhau.
Bóng đá nữ càng ngày càng thể hiện sự hiệu quả của mình nhưng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đúng mực của xã hội. Ảnh: Đình Viên.
Bóng đá nữ càng ngày càng thể hiện sự hiệu quả của mình nhưng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đúng mực của xã hội. Ảnh: Đình Viên.
Như đã đề cập ở những bài viết trước, VPF đã thống nhất mua bảo hiểm cho cầu thủ và những thành viên liên quan đến 3 giải đấu bóng đá thuộc hệ thống quốc gia là V-League, Cúp Quốc Gia và Giải hạng Nhất. Vậy còn giải nữ và cầu thủ nữ thì sao? Họ có chịu thiệt thòi ở khoản này không?
Khác biệt trong khâu quản lý
Phóng viên BongDa.com.vn tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin thông qua sự chia sẻ của ông Trần Anh Tú – Thường trực VFF kiêm Chủ tịch LĐBĐ TPHCM (HFF) – người dành nhiều sự quan tâm cho bóng đá nữ. Theo ông Tú, thực ra bóng đá nữ không phải là không có bảo hiểm mà nó là một hình thức khác so với bóng đá nam. Vấn đề nằm ở chỗ khác biệt trong khâu quản lý.
Cụ thể, ông Trần Anh Tú giải thích: “Hình thức quản lý của bóng đá nam ở cấp CLB khác so với bóng đá nữ. Các đội bóng nữ thuộc sự quản lý của nhà nước, cụ thể là Sở thể dục thể thao địa phương; còn các đội bóng nam thuộc quyền quản lý của tư nhân (gọi tắt là công ty). Đây chính là điểm khác biệt trong việc trang bị gói bảo hiểm cho cầu thủ bóng đá nói chung.”
Hiểu rõ hơn về các quy định và nguyên tắc của cơ quan chủ quản giúp các cầu thủ nữ cảm thấy an tâm hơn khi thi đấu. Ảnh: Quang Thịnh.
Hiểu rõ hơn về các quy định và nguyên tắc của cơ quan chủ quản giúp các cầu thủ nữ cảm thấy an tâm hơn khi thi đấu. Ảnh: Quang Thịnh.
“Nhà nước sẽ đảm bảo chi phí chữa trị chấn thương”
Sau vụ Quế Ngọc Hải gây chấn thương nặng cho Anh Khoa, VPF quyết định trang bị gói bảo hiểm cho các cầu thủ nam. Tức là trước đây, nam cầu thủ chưa bao giờ được đội bóng mua bảo hiểm cho đôi chân của mình. Trong khi đó, nữ cầu thủ thuộc biên chế nhà nước nên mọi khoản đều được nhà nước lo, kể cả chi phí điều trị chấn thương nếu có.
Điều này được ông Trần Anh Tú lý giải: “Chính vì các CLB bóng đá nữ đều thuộc sự quản lý của Nhà nước nên Nhà nước sẽ lo liệu chi phí điều trị chấn thương chứ không trả phí mua bảo hiểm như các nam cầu thủ ở cấp CLB. Tôi đã làm việc với Sở TDTT TPHCM, vì nếu mua bảo hiểm trước thì lại vướng nguyên tắc tài chính của Nhà nước quản lý. Nhà nước không thanh toán phí mua bảo hiểm cho cầu thủ nữ mà chỉ đảm bảo chi phí chữa trị chấn thương cho họ.”
Thường trực VFF kiêm Chủ tịch HFF khẳng định một lần nữa để các chị em thi đấu an tâm rằng: “Nữ cầu thủ khi bị chấn thương không cần lo chi phí gì cả vì coi như đã được Nhà nước “bảo hiểm” cho rồi.”
Đa số các cầu thủ và ban huấn luyện của các CLB nữ thường chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, không thể nắm rõ công tác quản lý. Cá nhân ông Trần Anh Tú cũng lo ngại rằng nữ cầu thủ có thể không hiểu rõ cơ chế của đơn vị chủ quản nên sẽ cho rằng mình bị thiệt thòi. Vậy nên Sở TDTT nên kết hợp với nhau để giải thích cho các cầu thủ nữ.
Thường trực VFF ông Trần Anh Tú giải đáp nhiều thắc mắc về cơ chế quản lý và hình thức bảo hiểm dành cho cầu thủ nữ. Ảnh: Quang Thịnh.
Thường trực VFF ông Trần Anh Tú giải đáp nhiều thắc mắc về cơ chế quản lý và hình thức bảo hiểm dành cho cầu thủ nữ. Ảnh: Quang Thịnh.
Giải đáp những băn khoăn, trăn trở
Trên thực tế, nữ cầu thủ băn khoăn cũng có lý do chính đáng. Bằng chứng là trường hợp chấn thương dây chằng của tuyển thủ Trần Thị Kim Hồng năm 2011. Khi đó, Kim Hồng phải nhờ sự ủng hộ của nhà hảo tâm mới có đủ 400 triệu sang Singapore điều trị chấn thương. Lý giải về trường hợp này, ông Trần Anh Tú nói: “Theo tôi được biết, khi đó Kim Hồng mong muốn điều trị chấn thương ở nước ngoài, điều này không đúng nguyên tắc tài chính Nhà nước. Nếu điều trị trong nước thì mọi chuyện có lẽ được giải quyết đơn giản hơn.”
Hiện nay, các câu lạc bộ nữ đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước nên tất yếu phải tuân theo những quy định tài chính của cơ quan Nhà nước. Theo đó, cơ quan chủ quản không trả tiền mua bảo hiểm sức khỏe nhưng sẽ đảm bảo thanh toán tiền chữa trị trong nước. Còn nếu muốn điều trị ở nước ngoài như trường hợp của Kim Hồng thì CLB và cá nhân cầu thủ phải tự chi trả.