Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Những bài học mà bóng đá Việt Nam nên học theo

Đã chẳng có dấu ấn nào của chúng ta tại VCK U23 Châu Á. Sau thất bại này, nhiều nguyên nhân lại được mang ra bàn luận. Thế nhưng có những bài học vốn không mới vẫn thích hợp cho bóng đá Việt Nam.
Những bài học mà bóng đá Việt Nam nên học theo
U23 Việt Nam kết thúc VCK U23 châu Á mà không có điểm nào. Ảnh: Nhật Minh.
Bắt đầu từ bóng đá trẻ
Hãy lấy hai nền bóng đá Đức và Bỉ làm mẫu. Bỉ sau thất bại tại Euro 2000 khi là đồng chủ nhà với Hà Lan, họ đã quyết tâm xây dựng lại từ những mầm non của mình. Kết quả sau hơn 10 năm thì ai cũng đã thấy, Bỉ đang có một thế hệ cầu thủ chất lượng hàng đầu Châu Âu. Tương tự là Đức. Dù họ đều vào sâu tại các giải như World Cup 2002, 2006 hay Euro 2008 nhưng người Đức vẫn quyết tâm làm cuộc cách mạng trong bóng đá. Nhanh chóng Đức đã tạo nên một lứa cầu thủ trẻ xuất chúng để lên ngôi tại World Cup 2014.
Điểm chung của Bỉ và Đức là họ chẳng đặt nặng thành tích trong quá trình thay đổi, chỉ chú tâm đào tạo nhân lực mà thôi.
Tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ thi đấu
Malaysia có cách xây dựng đội trẻ đáng để chúng ta học hỏi. Đội U23 được chọn ra từ các CLB, và được đăng ký thi đấu như một đội bóng bình thường tại giải VĐQG, cũng có thăng hạng và xuống hạng. Chính việc được thường xuyên được thi đấu cùng các đợt tập huấn khiến cho các cầu thủ trẻ ngày càng cứng cáp và ăn ý với nhau hơn.
Những bài học mà bóng đá Việt Nam nên học theo
Nhiều chuyên gia và người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong muốn các cầu thủ trẻ được trọng dụng nhiều hơn. Ảnh: Nhật Minh.
Kiên trì
So về vóc dáng con người, Nhật Bản không thể bằng với các nước Châu Âu hay Nam Mỹ nên từ lâu họ đã nhận ra rằng người Nhật không thể chơi bóng kiểu đánh đầu tạt cánh như Anh, phòng ngự kiểu Italia hay phô diễn kỹ thuật như Brazil, Argentina. Suốt nhiều năm, bóng đá Nhật Bản đã tìm được, xây dựng và kiên trì tập luyện lối chơi phù hợp với con người, phẩm chất và tư duy của họ. Và rồi chính lối đá đặc trưng đó đã mang đến thành công cho Nhật nhiều năm qua.
Văn hóa trong bóng đá
Các CLB Nhật Bản hay nhiều nước khác đều thành công khi xây dựng nên nét văn hóa cho riêng mình. Trong văn hóa ấy có sự kết nối giữa cầu thủ, CLB và CĐV. Chính vì vậy trong hoàn cảnh nào, người hâm mộ cũng đứng về phía đội bóng để tiếp thêm sức mạnh cho họ còn cầu thủ có sự tự hào về màu cờ sắc áo. Cầu thủ thi đấu hết mình, CĐV trung thành và văn minh tức là đã góp phần phát triển bóng đá. Bên cạnh đó cần loại bỏ đi kiểu bỏ giải với bất kỳ lý do nào. Khi ấy chúng ta sẽ có giải đấu chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Những bài học mà bóng đá Việt Nam nên học theo
Nhiều chuyên gia và người hâm mộ mong các đội tuyển bóng đá Việt Nam xây dựng lối chơi xoay quanh nòng cốt HAGL. Ảnh: Nhật Minh.
Tầm nhìn
Nhiều năm qua, cái đích của chúng ta chỉ là vượt qua Thái Lan, đứng đầu Đông Nam Á. Chính vì đặt tầm nhìn như thế nên bóng đá Việt Nam cũng chỉ đưa ra những mục tiêu và việc làm ngắn hạn, manh mún. Đã đến lúc mạnh dạn nghĩ xa hơn và chọn con đường dài hơn đó là Châu Á, Olympic hay thậm chí World Cup để tạo nên động lực lớn hơn cũng như những hành động quyết liệt hơn chứ không nửa vời như hiện tại.
Bóng đá Việt Nam từng học theo Đức, Brazil, Pháp, Áo, Bồ Đào Nha,… Nhưng có những bài học, đã cũ, giản đơn và gần gũi hơn thì chúng ta chưa làm tốt.