Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Chuyện trong ngày: Van Gaal và bài học từ Federer

“Đời thay đổi khi ta thay đổi”. Câu nói đó cần được áp dụng tức thì với HLV Louis van Gaal của MU.
MU đang bế tắc dưới sự chỉ đạo của Van Gaal. Ảnh: Internet.
MU đang bế tắc dưới sự chỉ đạo của Van Gaal. Ảnh: Internet.
Một nghiên cứu cho thấy, càng lớn tuổi và gặt hái được nhiều thành công trong đời, người ta rất khó thay đổi tư duy hay tiếp thu nhận thức mới. Đồng quan điểm này có chuyên gia Michael Cox của ESPN. Trong bài bình luận mới đây, Michael Cox giải thích triết lý bóng đá tẻ nhạt được Van Gaal thổi vào MU đến từ sự đúc kết đã thành thói quen của một người đàn ông trên 60 tuổi. Thời điểm này, rất khó để họ thay đổi suy nghĩ.
Đó còn chưa kể Van Gaal đã gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp từ hai thập niên trước. Cùng với Ajax trẻ trung, ông đưa đội bóng Hà Lan tới chức vô địch Champions League một cách kỳ diệt. Sau đó, nhà cầm quân này giành được danh hiệu La Liga, rồi chiếc Đĩa bạc Bundesliga trong màu áo Barcelona và Bayern Munich. Bộ sưu tập đó tạo cho Van Gaal một bản ngã rất lớn, theo đó, ông luôn tin vào triết lý của mình xây dựng.
Để nói về Van Gaal lúc này, ai cũng nói ông bảo thủ và bướng bỉnh. Nhưng đó một phần vì bản ngã của nhà cầm quân người Hà Lan quá lớn. Điều này khiến lối chơi MU dù liên tục bị các huyền thoại chỉ trích, song, cựu HLV Barcelona và Bayern Munich vẫn giữ vững lập trường không chịu thay đổi. Theo giới chuyên môn, nhà cầm quân 64 tuổi nên nhìn từ bài học mà huyền thoại làng banh nỉ Roger Federer áp dụng để rút ra cho mình một triết lý mới.
Ở tuổi 34, Roger Federer không bao giờ áp đặt bản thân vào bất kỳ khuôn mẫu nào. Anh cũng chẳng phải típ người an phận và luôn có suy nghĩ theo hướng: “Thôi thế cùng được, vì tôi 34 tuổi rồi”. Trong chia sẻ mới đây, cựu HLV Paul Annacone của Federer cho biết “tàu tốc hành” không bao giờ ngừng tiếp thu những cái mới. Anh thay đổi chính minh và luôn tư duy, cũng như nỗ lực tìm kiếm công thức để duy trì sự thăng hoa.
Từ thay tướng đến đổi “bảo kiếm”, tức cây vợt có bề mặt lớn hơn, rồi lựa chọn các giải đấu sao cho phù hợp, thật khó để tìm ra một người thứ hai có đủ bản lĩnh và sự kiên nhẫn như Federer để làm điều đó trong bối cảnh tuổi tác không còn trẻ nữa. Gần nhất, Federer quyết định sa thải HLV Stefan Edberg, người gần đưa anh tới nấc thang cuối cùng trong việc lật đổ Novak Djokovic, và thuê Ivan Ljubicic làm HLV mới.
Ngạn ngữ có câu: “Không hư thì đừng sửa”. Roger Federer dưới sự chỉ đạo Stefan Edberg suốt hai năm qua đã gặt hái được nhiều thành công vang dội, nếu chiếu theo tuổi đời của tay vợt này. 11 danh hiệu, 136 trận thắng và thua 23 trận, vào chung kết hai giải Wimbledon và Mỹ mở rộng 2015 – đó là những gì ngôi sao người Thụy Sĩ bổ sung vào bảng thành tích trong hai năm hợp tác với Stefan Edberg. Điều đó khẳng định cho sự ăn ý trong cách làm việc giữa hai bên.
Nhưng Federer không muốn dừng lại ở đây. Anh cần một điều gì đó sáng tạo và lạ hơn để thực hiện nhiệm vụ đánh bại Djokovic ở các giải Grand Slam. Đối chiếu sang Louis van Gaal, nhà cầm quân này cũng nên có tư duy như Federer. Sự nhàm chán trong nghệ thuật kiểm soát bóng không đưa MU tới đâu, theo đó, ông nên bỏ đi cái tôi quá lớn trong tư duy và thực hiện điều gì đó táo bạo hơn giống với “tàu tốc hành” từng làm. Có như vậy, tương lai tươi sáng mới mở ra cho “Quỷ đỏ”.